Thương mình – Yêu nghề
Khi chia sẻ những dòng này, mình có tâm trạng thật trầm, chỉ trong một tuần, mình đã trò chuyện với 3 người bạn / người em chia sẻ rằng họ đang trong thời kỳ thật tệ, muốn chạy trốn khỏi công việc, khỏi Sài Gòn, muốn đi đâu đó thật xa, muốn ngồi lặng im một mình
Chúng ta có thật nhiều những khóa học về chuyên môn, học kỹ năng, các công ty cũng không ngừng tăng cường L&D (Learning & Development) để nhân viên phát triển, tăng cường hiệu suất làm việc. Kể từ lúc đi làm chính thức, chúng ta đều quá quen với các cụm từ: chiến lược, kế hoạch, kỹ năng, KPI… nhưng chúng ta lại có (thật) ít các chương trình chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ người đi làm về việc phải vượt qua / đối phó khi gặp căng thẳng công việc.
Khi mình xây dựng FH Developing và gửi thông điệp “Học, để được làm việc với tinh thần tự tin, thoải mái”, cũng đã có rất nhiều ý kiến góp ý cần “lượng hóa” mục tiêu thành những con số cụ thể (về công việc, thu nhập) thay vì dùng các từ như “tự tin”, “thoải mái”, vì nó cảm xúc quá!
Nhưng, học hay đi làm, nếu không thực sự thấy thích, thấy vui, chúng ta có đủ sức đi đường dài, có đủ năng lượng để trở nên tích cực không, hay chúng ta sẽ thấy mệt nhoài, sẽ thấy áp lực? Nếu chúng ta không thực sự để tâm xem mình có yêu thích/có cảm xúc tích cực với công việc đó, cứ mãi hướng theo những mục tiêu là những con số, những cột mốc, rồi chúng ta sẽ như thế nào sau một thời gian?
Sẽ có thật nhiều ý kiến cho rằng làm việc nên chuyên nghiệp, không nên nói về cảm xúc vui hay không vui, nhưng liệu chúng ta có thể hoàn toàn tách biệt cảm xúc ra khỏi chúng ta hàng ngày với công việc không? Chúng ta có nên để tâm đến việc chăm sóc cảm xúc, chấp nhận những lúc chúng ta không thực sự thoải mái với thử thách, với sếp yêu cầu khó tính, với việc bị thay đổi kế hoạch phút cuối, hay chúng ta luôn cố gồng mình lên để tỏ ra mình chuyên nghiệp?
“Thương mình”, không có nghĩa là ích kỷ, là chỉ biết nghĩ đến cảm xúc cá nhân, trân trọng và lắng nghe bản thân cũng là một cách giúp chúng ta hiểu mình và có cách làm việc phù hợp hơn/ tốt hơn. Và với mình, khi đã trải qua nhiều những giai đoạn căng thẳng, burn-out, mình hiểu rằng “Thương Mình” chính là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể “Yêu Nghề”, nếu mình không thể có tâm thế thoải mái, tích cực thì cũng rất khó để nói đến việc đảm nhiệm công việc một cách trọn vẹn.
Chuỗi bài “Thương Mình – Yêu Nghề” ra đời khi mình nghe những người bạn/người em tâm sự về công việc, hy vọng có thể chia sẻ đến những bạn đang căng thẳng vì công việc chút gì đó, gợi nhắc các bạn rằng việc chăm sóc tinh thần bản thân cũng rất quan trọng.
Thứ 6 rồi, nghỉ ngơi Bạn nhé!