Làm việc với Người Mình Không Thích

“Cái mà em ghét nhất hiện giờ không phải là công việc, mà là hàng ngày phải tiếp xúc với người mình không thích, rồi giả vờ cười nói giả lả, em khó chịu vô cùng”

Nghe một em tâm sự tự nhiên mình nhớ lại mình của trước đây, vì mình cũng vậy. Mình thuộc nhóm thẳng tính, yêu ghét rõ ràng, lúc nào cũng nhất định trắng đen phân định, không chịu được trạng thái nửa này nửa kia. Cái cảm giác không thích mà vẫn phải làm chung, còn phải cười cười nói nói để giữ hòa khí trong một tập thể, dần dần cũng khiến mình stress vô cùng. 

Mình cũng là người hiểu được những gì các anh chị đi trước phân tích, trong một tập thể luôn có người nọ người kia, chúng ta không thể bắt nhất nhất như một, đú gu mình thích, đúng kiểu mình quý, “Kể cả sau này em mở công ty, tuyển nhân viên, em cũng có những tiêu chí ưu tiên nhất định, họ đạt được các tiêu chí quan trọng thì em tuyển dụng, những phần khác có thể em cũng thấy chưa hợp nhãn lắm nhưng nếu đó không phải là điều gì quá lớn, gây ảnh hưởng đến tập thể chung thì em phải chấp nhận!” Một chị phân tích và khuyên mình như vậy.

Nhưng hiểu và thực tế xa nhau “dzã man” lắm. Vẫn cứ là cảm giác khó chịu, dù có cố bao nhiêu cũng chỉ là chịu đựng, chấp nhận chứ không có tí bình an, bình thản nào trong người, “Chắc là mình còn sân si quá!” Mình đã từng nghĩa vậy. Nhưng (lại nhưng), đè mình xuống để chấp nhận thực tại mình không thích cũng “kỳ kỳ” nhỉ, cũng không đúng lắm!

Cảm giác không thích một ai đó trong công việc thực sự hiện hữu, chúng ta nếu đã gặp cũng khó mà chối bỏ. Nhất là có những khi mình và họ gặp vấn đề khác quan điểm trong công việc, thay vì tập trung thảo luận, tìm giải pháp cùng tập thể hoàn thành thì họ thích dùng “lời nói ngọt ngào” để mở đường quan lộ; rồi suốt ngày tạo tin đồn, xây phe phái, bè cánh, tụ tập bàn tán. Cảm giác đó, vừa là không thích, vừa là lo sợ, biết đâu mình cũng là một chủ đề “trên bàn tiệc tin đồn”. Ai đã đi làm công ty cũng có thể từng gặp cảnh này. 

Cho đến một ngày, mình nhận ra có gì đó không ổn từ một loạt câu hỏi: Mình nghĩ họ sai mình đúng, nhưng có chắc vậy không? Mình cho là cách của mình phù hợp, nhưng biết đâu họ nghĩ mình ấu trĩ không cởi mở. Mình cảm thấy khó chịu, không lẽ họ không thấy thế? Mình không thích làm việc chung với họ thì họ cũng chưa chắc đã thích mình?!

Những “câu hỏi hết hồn” đó, trong một thời gian cũng đã giúp mình “tém tém bớt cái nết khó chịu” lại. Nhưng xa hơn nữa, mình cũng cần những “Cách thức/ Nguyên tắc cụ thể” để thực sự cảm thấy thoải mái với chính mình khi đối diện với người mình không thích. Thời gian trôi qua, mình cũng tự đúc rút được một vài kinh nghiệm “lận lưng”, dù thỉnh thoảng cũng còn hơi chập cheng nhưng mình thấy có an ổn trong tâm hơn trước phần nào. 

  1. Nguyên tắc “nhìn việc không nhìn người”

Dĩ nhiên nếu được làm việc với người mình thích thì quá tốt, còn nếu không được vậy, thì mình cứ nhìn việc mà làm. Cuối cùng thì, mình cũng phải nhìn thẳng vào vị trí chuyên môn đang đảm nhiệm, mô tả công việc đã được giao, nhiệm vụ cụ thể trong việc đang làm chung với họ để hoàn thành. Mình đã nghĩ rằng, tập thể nhìn mình bằng kết quả, nỗ lực của bản thân, bằng thái độ hợp tác và năng lực chuyên môn, chứ không phải bằng quan điểm yêu ghét một ai đó.

Khi quá để ý đến cảm xúc thích hay không thích đối phương, quả thật mình cũng đã tiêu tốn một cơ số thời gian và năng lượng. Vậy nên, nếu không thích một ai đó, mình chấp nhận cảm xúc đó với chính mình, rồi mình nghĩ “nhìn việc mà làm vậy!”, hết giờ làm việc mình trở về với cuộc sống của mình, “kệ họ!”. 

Cách này mình đã áp dụng và có hiệu quả thật, dù chẳng vui vẻ mấy nhưng có thể dễ chịu hơn phần nào.

  1. Đặt mình vào vị trí của người khác

“Những câu hỏi hết hồn” ở trên trở lại, cho mình nhiều suy ngẫm. Khi mình quan sát một ai đó (tương đối) đủ, khi mình tìm hiểu bối cảnh dẫn đến sự “không thích” của mình, tự nhiên mình nhận ra họ có lý do để làm như vậy. Họ cũng như mình, cũng “lao vào đời mà kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội” (*), và mỗi người sẽ chọn cho mình những cách làm khác nhau, phù hợp với quan điểm, điều kiện, năng lực và cơ hội mà mỗi cá nhân có được. 

Suy cho cùng, không có cách nào đúng và sai, chỉ có sự phù hợp. Mỗi người chọn cho mình một con đường phù hợp nhất. Cuộc đời này, không chỉ có hai thái cực với những cặp tính từ 50-50: đúng – sai, phải – trái, có – không,… còn rất nhiều trạng thái ở giữa mà có thể chính bản thân mình chưa khám phá được, hoặc dù muốn hay không, mình cần chấp nhận vì đó là thực tế cuộc sống. 

Đặt mình vào vị trí người khác, không phải để “quên mình”, hay xí xóa cái cảm giác khó chịu mình không thích họ, mà chính là để thấy đằng sau cái lý do làm mình không thích họ, họ cũng có lý do riêng và mình chẳng là ai để phán xét họ đúng hay sai. 

Mình và họ, trong cuộc đời này, là những cá nhân bình đẳng như nhau. 

Mình và họ, trong công việc này, là những nhân viên có nhiệm vụ chuyên môn riêng, đều có quyền và nghĩa vụ với tập thể theo sự phân công. 

Mình có quan điểm và cách làm của mình; tương tự, họ cũng có cách làm của họ. 

Và, việc duy nhất mình cần làm là “tôn trọng không gian riêng tư” của nhau. Nếu nhỡ phải làm chung, phải “đụng độ” tranh luận, mình sẽ thật cố gắng áp dụng nguyên tắc “nhìn việc”, nếu họ có quan điểm khác biệt, mình hiểu mình cần tôn trọng và xem xét lợi-hại của quan điểm ấy với công việc chung để dung hòa; nếu chẳng may họ cố làm điều gì đó để “chơi xấu” hoặc hạ bệ mình, thì mình cũng không ngần ngại đứng lên bảo vệ “không gian riêng tư” của chính mình. 

Cuối cùng, dù kết quả có như thế nào, mình cũng cảm thấy thoải mái, đủ tôn trọng người khác, đủ trách nhiệm với công việc và đủ tử tế với chính mình!

  1. Cảm ơn người mình không thích vì nhờ họ chúng ta có động lực phấn đấu 

Khi mình đã cố gắng nhìn việc để làm, đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu và hòa đồng cùng tập thể vì hiệu quả công việc, kết quả đẹp nhất đó là tập thể ghi nhận và tưởng thưởng cho những nỗ lực của mình. Từ đó, mình nhận ra nơi đây vẫn rất phù hợp với mình, xứng đáng để mình rèn luyện và gắn bó dài lâu, những người mình không thích cũng chỉ là số ít thôi, vui vẻ tiếp tục hành trình.

Ở một chiều diễn biến khác thì đời không như mơ, càng không như truyện ngôn tình có “happy ending”. Nếu mình đã nỗ lực nhiều, vượt qua thử thách, tự khắc phục cảm xúc, chấp nhận cả những điều bất như ý với tâm thế tích cực, mình vẫn không tìm thấy ý nghĩa, không thấy đó là môi trường có sự ghi nhận với những cá nhân nỗ lực, vậy thì mình phải tiếp tục tìm cách thôi.

Mình không ngừng rèn luyện để làm tốt hơn nữa, nhất quyết theo phong cách “nói chuyện bằng kết quả công việc” thay vì tính toán đi đường vòng và cố nghĩ ra “những lời nói ngọt ngào” để được lòng ai đó. Mình đã không ngừng đào sâu về chuyên môn, nâng cao kỹ năng cần thiết, không ngại nhiệm vụ khó, không kêu ca than vãn, và rồi mình có thể trở thành “phiên bản cấp tiến” của chính mình. 

Nhờ những người mình không thích, mình cũng có động lực hơn. Mâu thuẫn, trái chiều, đấu tranh, chính là điều kiện của sự phát triển. Nếu chúng ta cứ êm ấm mãi, cứ ở trong vòng an toàn vui vẻ mỗi ngày một thời gian quá lâu có lẽ cũng không phải là lợi thế. Vậy nên, mình cảm ơn những người mình từng không thích, những người từng nói xấu sau lưng mình, những người từng chê bai mình, cả những ai từng quyết liệt triệt tiêu mình trong công việc, tất cả họ đều chính là động lực và điều kiện để mình nỗ lực, không phải vì để chứng minh cho họ thấy điều gì, mà chính là để mình được là chính mình, được thừa nhận cảm xúc, được an ổn đi trên con đường mình chọn.

  1. “Tôi biết ơn người tôi không thích vì ít nhất có Bạn, tôi bớt cô đơn trên hành tinh này!”

Lẽ ra chủ đề này sẽ dừng ở số 3 vì đó là ba bài học hay là ba nguyên tắc mình đúc rút trong suốt thời gian đi làm công ty, nhưng gần đây mình đã ngộ ra bài học số 4 trong một dịp cũng không thể ngờ đến! 

Năm ngoái 2022, mình có dịp đến Trung tâm Khám phá Khoa học ở Quy Nhơn, Bình Định (ExploraScience Quy Nhơn), cuối buổi tham quan có chương trình chiếu phim tài liệu về các hành tinh tại Phòng Chiếu hình Vũ trụ và mình đã thích mê. Với mình, đó là một không gian tuyệt diệu, phim đưa khán giả như lạc vào thế giới thiên hà, khám phá các hành tinh. Hầu hết những nơi đó hoàn toàn giá lạnh, hoặc hoang mạc, không có gì ngoài không gian cô quạnh, tự nhiên mình đã nghĩ: “May quá, mình đã ở đây, ở Trái Đất!, chứ tưởng tượng nếu mình là một ai đó cai quản cả hành tinh như vậy (nghe cũng hoành tráng) nhưng chỉ có một mình, chắc cô đơn xỉu!”.

Nghe thì không liên quan mấy, vì trí tưởng tượng của mình đi xa quá trong phòng chiếu phim. Nhưng liên kết lại thì cũng hợp lý, nếu trên hành tinh lạnh lẽo kia chỉ có mình và người mình không thích đang làm chung công việc thì mình cũng biết ơn họ lắm, thôi thì có người thứ 2, thứ 3 vẫn tốt hơn là một mình nhỉ!

Vậy đó, có đôi khi, mình cũng cảm thấy như là mình nợ người mình không thích một lời biết ơn chân thành, vì nhờ họ mình cảm thấy mình…còn rung động, còn phân biệt các chiều kích cảm xúc, và nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh một mình cai quản [một công việc / dự án] có thêm họ là thêm nguồn lực ít nhiều, mình không cô đơn!

“Thật cảm ơn Người Mình Không Thích, nếu có lỡ trong một hoàn cảnh nào đó mình đã nóng tính, đã lỡ lời, đã làm gì khiến Bạn cảm thấy không vui hãy rộng lượng và hoan hỉ bỏ qua cho mình nhé! Được gặp Bạn ở Trái Đất, dù trong bất kỳ hoàn cảnh và cảm xúc nào, đó cũng là một cơ duyên, nhờ đó mình đã được học hỏi, được rèn luyện để trở thành mình của ngày hôm nay. 

Biết ơn Bạn, thật nhiều!”

(*) Trích lời bài hát “Đi về nhà” (Đen x JustaTee)
(**) Bài viết này nảy ra khi trò chuyện cùng em T. “Tặng em và chúc em nhiều niềm vui trong công việc nha, thương!”

0 Reviews

Write a Review

0 Reviews

Write a Review

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *