Làm thế nào để bắt đầu công việc Truyền thông nội bộ

Xác định mục tiêu & đặt trọng tâm

Bạn mong muốn theo đuổi Truyền thông nội bộ như sự nghiệp chính thức hay chỉ là “làm thử cho biết”, làm vì được giao kiêm nhiệm, làm để có đà chuyển sang vị trí khác của MarCom? Mỗi mục tiêu khác nhau sẽ mang đến cho các bạn những chọn lựa phát triển khác nhau, vì thế phải xác định mục tiêu trước nhé!

Tìm hiểu môi trường & đi vào thực tế

Truyền thông nội bộ là công việc “lính dính” khá nhiều với các phòng ban / khối / bộ phận khác trong doanh nghiệp, vì thế việc tìm hiểu môi trường và “tất tần tật” mọi thứ về công ty trong phạm vi có thể đều rất hữu ích cho công việc của bạn đó! Và nữa là, công ty bạn có bao nhiêu “mặt trận” thì người làm Truyền thông nội bộ nên đi thực tế, để có trải nghiệm và thấu hiểu hơn về công ty nha!

Kế hoạch tổng thể & thứ tự ưu tiên

Chúng ta thường bắt đầu Truyền thông nội bộ hừng hực khí thế, muốn làm cái này cái kia liền liền, nhưng khoan! Bạn hãy chậm chậm, quan sát tổng thể và lên kế hoạch và có một danh sách công việc với thứ tự ưu tiên nha. Việc này giúp bạn đỡ bị rối, thích nghi và làm mọi việc chỉnh chu nhất có thể ở giai đoạn đầu.

Kế thừa trước & đổi mới theo sau

Công ty nào cũng có những nét hay riêng, việc đầu tiên cần làm đó chính là kế thừa những truyền thống đã có, như vậy bạn cũng tận dụng được thế mạnh hiện hữu trong các hoạt động Truyền thông nội bộ. Tiếp theo mới đến bước đổi mới một số hoạt động, sản phẩm Truyền thông nội bộ nếu bạn có những ý tưởng mới và phù hợp hơn với kế hoạch đã đề ra.

Chia nhỏ mục tiêu & thắng từng “điểm”

Bạn đã có một kế hoạch tổng thể (hoặc là những việc cần làm) nhưng vẫn cần chia nhỏ từng hạng mục với các mục tiêu cụ thể hơn và thời hạn hoàn thành. Việc này giúp bạn vận hành Truyền thông nội bộ “dễ thở” hơn, đạt được những mục tiêu nhỏ giúp bạn có “quick win” để lấy động lực thực hiện các hoạt động tiếp theo.

Lắng nghe phản hồi & điều chỉnh phù hợp

Với mỗi hoạt động Truyền thông nội bộ, bạn hãy thực hiện khảo sát nội bộ trước khi tiến hành hoặc sau khi hoàn thành, bước này giúp bạn lắng nghe những ý kiến phản hồi, hoặc biết được mức độ hài lòng của đội ngũ với các hoạt động bạn thực hiện. Từ đó, bạn sẽ có thêm những ý tưởng tham khảo để điều chỉnh các hoạt động tiếp theo hiệu quả hơn.

Và cuối cùng, Truyền thông nội bộ được ví như công việc “làm dâu trăm họ”, dù nỗ lực đến mấy bạn cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy luôn quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân bạn nhé! Đừng quá áp lực và chạy theo yêu cầu với chuỗi các sự kiện nội bộ đầy ắp mà quên chăm sóc mình đó!

0 Reviews

Write a Review

0 Reviews

Write a Review

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *