Kỳ 3: Điều cần thiết của những trải nghiệm thử thách
Khởi nghiệp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, muốn được làm đúng, sống đúng với những khát khao hay giấc mơ của chính mình lại càng không dễ. Nhưng mình tin, những trải nghiệm dù là thử thách nhất, chắc chắn cần thiết cho hành trình mình đồng hành cùng những bạn khởi nghiệp khác. Vì không có những trải nghiệm đắng cay, người ta thật khó hiểu được người trong cuộc đã phải dùng hết bao nhiêu nỗ lực để sống sót, để vươn lên.
Có những giai đoạn trong vòng chưa đầy 2 tuần, mình giải tán một team marketing, cho dừng một dự án, cho một học viên dừng học vì không tuân thủ quy định lớp, từ chối dự án vì thấy nguồn lực chưa đủ… Mỗi một “cột mốc” như vậy, đều là những đêm mất ngủ với ngổn ngang suy tư, tiếp theo nên làm như thế nào, quyết định ra sao, nên làm gì để cân bằng các yếu tố: xây dựng, duy trì, phát triển nhưng vẫn đảm bảo tinh thần chất lượng và thái độ tích cực của một đội nhóm/ một lớp học. Bên cạnh đó, cũng cần cân bằng với những giá trị bản thân mình đã và đang theo đuổi trong sự nghiệp, không vì lợi ích trước mắt mà vội vàng chạy theo, làm nhanh lại đại; nhưng nếu không quyết liệt, không hy sinh bớt nguyên tắc đi thì doanh nghiệp cũng rất khó để sống sót.
Đó đều là những “nhiệm vụ khó nhằn” với bất kỳ người khởi nghiệp nào. Mà thử thách thì không đến đơn lẻ hay từ từ, có những thời điểm, mọi việc cùng nhau ùn ùn kéo tới, hầu hết đơn vị khởi nghiệp đều người ít, lực mỏng, phải chống đỡ nhiều thứ cùng lúc quả thật có sự kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất. Từ đó, mình cũng có dịp nhận ra, sức khỏe tinh thần đối với người khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Không chỉ đối diện với những vấn đề cơm, áo, gạo, tiền đơn thuần của cuộc sống mà đó còn là tương lai của một thương hiệu, một tập thể, đó là những giá trị mọi người cùng nhau theo đuổi. Nỗ lực sống sót với thị trường đã được gọi là một kỳ tích, chứ chưa nói đến thành công hay phát triển gì to lớn. Vậy nên, với người khởi nghiệp ở thời gian đầu, không có câu “thành công hay thất bại”, mà chính xác hơn, đó là “sống sót hay rời đi” (rời khỏi thị trường, rút lui để cắt lỗ/ hạn chế lỗ).
Có những khoảng thời gian, quả thật dù có nhiệt huyết đến mấy, có chuẩn bị tốt ra sao, kế hoạch chặt chẽ đến mức nào, mình cũng phải chấp nhận tạm dừng hoặc rời hẳn khỏi một dự án. Những thử thách đó, có khi khiến mình hụt hẫng, có khi là bị “tụt mood” đến mấy ngày. Còn khoá học, mình cũng ngày càng chậm lại, để quan sát hiệu quả từ các khóa đã qua, trao đổi với các bạn học viên cũ, để tìm thêm những cách làm hiệu quả hơn. Vì thế, năm nay FHD lịch lớp lẻ rất ít, thậm chí là một số khóa đã dự định sẽ không mở.
Dù làm đi hay làm lại, mình vẫn làm thế thôi. Vì nếu không hiệu quả thì khoan làm/ không nên làm! Trước đây, bây giờ và sau này cũng thế!