Chuyên đề kỹ năng giao tiếp trong TTNB: nhìn ra nỗi sợ trong giao tiếp công việc
Lớp Truyền thông nội bộ khóa 3 đang đi đến bài Kỹ năng Giao tiếp hiệu quả cho người làm TTNB. Đây là điểm khác của khóa học chuyên môn của FHD, mỗi khóa, các bạn đều có riêng 6h học thêm về một kỹ năng, nhằm mục đích trang bị thêm để làm việc hiệu quả hơn. Khóa trước là Kỹ năng thương lượng và khóa này là Giao tiếp.
Tối qua, lớp trao đổi một điểm rất thiết thực từ một bạn học viên, đó chính là “nỗi sự bị từ chối” trong giao tiếp. Bạn chia sẻ rằng: em sợ khi giao tiếp em không đủ thú vị, không hài hước để người khác lắng nghe và em sẽ bị từ chối. Là người hướng dẫn, mình rất trân trọng những chia sẻ chân thành này, điều đó cho thấy các bạn thực sự nhìn thấy được điểm cần cải thiện, nhận diện được những điều đang là trở ngại để các bạn giao tiếp chưa được hiệu quả như mong muốn. Mình đã cùng các bạn phân tích những điểm đó, trang bị những kiến thức cần thiết để các em thử áp dụng và cải thiện trong thực tế công việc.
Câu chuyện được nhìn thấy ở đây là gì.
Đó là điểm mạnh luôn đi kèm điểm yếu, chuyện đó rất bình thường. Nhưng trong quá trình làm việc, có thể với một số bạn ở một số tình huống có sự tác động, khiến cho các bạn rơi vào trạng thái chỉ xoáy sâu vào điểm yếu mà quên mất bản thân mình cũng đang sở hữu không ít điểm mạnh.
Thêm vào đó, sự kỳ vọng hoặc mục tiêu của bản thân đôi khi cũng làm cho chính các bạn trở nên quá tải. Bạn muốn được lòng sếp/ đồng nghiệp, nghĩ rằng mình cần phải thật xuất sắc, làm thật tốt hoạt động nội bộ nào đó, phải là người giao tiếp đạt được mức độ nói ai cũng thích nghe, v..v Những mong muốn đó là tốt và rất quý, nhưng bạn hãy thử chậm lại một chút.
Mình vẫn thường chia sẻ với các bạn một câu nói yêu thích: Đừng tin những gì mình nghĩ, cho đến khi mình thực sự trải qua. Những suy nghĩ, dự báo, cảm nhận của bản thân là tốt, nó giúp mình có sự chuẩn bị tốt hơn trong công việc, trước những cuộc họp quan trọng, trước những hội thoại cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng, hãy nghĩ để chuẩn bị, chứ đừng nghĩ để “tự tưởng tượng” những điều chưa chắc có thật và áp đảo chính mình, như “người ta không thích mình vì…”, rồi những e ngại, lo lắng, nỗi sợ trong công việc cũng có thể sinh ra từ đây.
Nếu như cách nghĩ đầu giúp chúng ta làm việc tự tin và thoải mái, thì cách nghĩ sau có khả năng sẽ khiến bản thân rơi vào trạng thái lo lắng, rụt rè, bỏ qua cơ hội và dần dần trở nên thụ động trong công việc. Và đến đây thì đừng nói là kỹ năng giao tiếp, kể cả những kỹ năng khác cũng có nguy cơ bị giảm sút theo thời gian và công việc trở nên kém hiệu quả.
Hành trình sự nghiệp của một người được tính là mấy chục năm, có những anh chị lớn đã nhiều năm kinh nghiệm vẫn không ngừng trau dồi mỗi ngày, và chúng ta cũng sẽ như thế. Điểm chưa mạnh là cơ hội để chúng ta có thể nhìn ra, cải thiện và thể hiện năng lực cá nhân. Điều mà cả bạn và mình thường hay nghe là phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu. Đúng, nhưng không cần phải là toàn diện hay tuyệt đối, chúng ta sẽ luôn có những điểm làm tốt và làm chưa tốt, nên không cần quá khắt khe hay áp lực với bản thân để trở nên hoàn mỹ trong mắt người khác.
Và công việc, chúng ta nhìn vào mục tiêu, hiểu rõ việc mình đang làm, tập trung, trao đổi đúng trọng tâm, bạn sẽ nhận lại đúng phản hồi bạn cần để phát triển tiếp cuộc hội thoại. Chỉ thế thôi, bạn có thể bắt đầu từ những điều đơn giản. Suy cho cùng, chúng ta chỉ là cần giao tiếp hiệu quả trong công việc tại công sở, chứ không cần phải trở thành bậc thầy giao tiếp đỉnh cao để bán hàng hay trở nên nổi tiếng.
Vậy nên, nhìn vào nỗi sợ, nghĩ đơn giản và giao tiếp công việc thôi!
06/9/2024
Truyền thông nội bộ Khóa 3, Bài 14: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả dành cho người làm TTNB – Phần 1