5 bẫy suy nghĩ phổ biến của người khởi nghệp (phần 2)
Nghĩ “làm rồi tính, tới đâu hay tới đó”
Nhiều người có phong cách làm việc quyết liệt, nói là làm, khởi nghiệp thì bắt tay làm ngay, vì họ cho rằng cứ ngồi đó tính trước tính sau thì chẳng bao giờ làm được. Nhìn từ một khía cạnh nào đó điều này đúng. Tuy nhiên cũng cần phải hiểu thêm rằng, khởi nghiệp là một quá trình và cần có sự chuẩn bị. Khởi nghiệp không chỉ đơn giản bạn có ý tưởng, chọn được sản phẩm/ dịch vụ, xin giấy phép kinh doanh là đủ. Khởi nghiệp là một hành trình dài với nhiều hạng mục cần được lên kế hoạch và tính đến.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý và sản phẩm, bạn cần có kế hoạch về thương hiệu, marketing, cách vận hành mô hình kinh doanh, đội ngũ có bao nhiêu người và làm việc với nhau như thế nào, các vấn đề về tài chính, v..v… Một sản phẩm từ lúc được làm ra đến khi tới tay khách hàng và cả chính sách hậu mãi sau đó cần một quá trình xây dựng, thiết lập và sắp xếp. Vì thế, sẽ có những việc tùy thời cơ, làm và tính song song, nhưng hầu hết để hạn chế thất bại và nâng cao khả năng sống sót khi khởi nghiệp bạn nên có sự chuẩn bị trước. Ít nhất, đó là tìm hiểu thị trường, ngành nghề, sự chuẩn bị về kế hoạch, tính toán các phương án tài chính, nghiên cứu mô hình kinh doanh phù hợp.
Nghĩ đơn giản
Hầu hết những người xuất hiện nhiều trên truyền thông nói về khởi nghiệp là những người đã khởi nghiệp thành công, hoặc đã vượt qua giai đoạn xây dựng ban đầu và đang thuận lợi. Và họ xuất hiện với mục đích nào đó, ví dụ đang cần quảng bá thương hiệu cho mục đích kinh doanh. Vì thế, điều bạn nghe được đều là những phần tích cực nhất, là 3-4 phần nổi của tảng băng, những phần ẩn sau đó bạn không thấy hoặc không được kể đến. Và bạn sẽ nghĩ khởi nghiệp đơn giản!
Ở một nhóm khác, người khởi nghiệp chưa thành công họ không lên tiếng để bạn biết những thử thách ẩn đằng sau hành trình đó; hoặc có thể họ có chia sẻ về những trải nghiệm khiến họ thất bại, tuy nhiên những nội dung này chắc chắn chẳng hấp dẫn bằng những câu chuyện thành công nên nó chẳng lan truyền rộng rãi mấy. Vì thế, bạn sẽ chỉ thấy những điều thành công, tích cực, với những công thức đơn giản. Vì bạn chỉ thấy phần nổi nên hầu hết mọi thứ khá đơn giản. Điều này đúng nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện. Vì vậy bạn không nên chỉ nghe những câu chuyện thành công, vì khi va chạm thực tế bạn sẽ thấy “không như mình nghĩ” và dễ nản lòng hoặc bỏ cuộc.
Nghĩ “có tiền là xử lý được hết”
Nếu bạn có nguồn vốn mạnh mẽ, đây chắc chắn là lợi thế lớn. Nhưng tiền không phải là thứ đảm bảo cao nhất cho việc bạn khởi nghiệp thành công hay không, và tiền cũng không phải là vô hạn. Khởi nghiệp nghĩa là bạn cần đầu tư rất nhiều trong giai đoạn đầu (có thể tính bằng nhiều tháng, thậm chí là vài năm) cho đến khi business của bạn vào quỹ đạo ổn định và tạo ra doanh thu đủ để vận hành (chứ chưa nói đến lợi nhuận). Vì thế, bạn cần sống sót cho đến lúc này. Nếu bạn xây dựng mọi thứ ban đầu với suy nghĩ, có tiền là giải quyết được hết mọi vấn đề, có lẽ bạn sẽ rất khó để sống sót qua giai đoạn đầu, nếu không muốn nói là có khả năng kéo dài việc lỗ vốn và tới thời điểm không còn chịu được nữa bạn phải rút khỏi thị trường.
Chưa kể đến việc, nếu bạn khởi nghiệp về chuyên môn, hoặc một sản phẩm nào đó mà bạn đóng vai trò chủ chốt, sẽ có rất nhiều công việc không ai thay thế được bạn trong giai đoạn đầu – là giai đoạn thiết lập (set up). Vì không ai có thể hiểu “đứa con” của bạn hơn chính bạn. Có những phần công việc bạn phải tự xây dựng và sau đó mới có thể chuyển giao sang cho người khác. Tóm lại, bạn cần có sự cân nhắc về nguồn lực tài chính một cách hợp lý, điều quan trọng của việc khởi sự kinh doanh là làm sao bạn có thể sống sót và phát triển, chứ không phải chỉ là một đốm sáng lóe lên rồi vụt tắt khi chưa ai kịp nhớ tên mình.
Nghĩ “làm chủ sướng hơn làm thuê”
Đây là suy nghĩ cực kỳ phổ biến và trên mạng cũng khá nhiều nội dung vui “khịa” lại như: làm chủ tưởng sướng hóa ra là làm cả chủ nhật! Đồng ý rằng có một số người khởi nghiệp vì họ muốn tự chủ về thời gian, về sự nghiệp, nhưng để nói khởi nghiệp làm chủ sẽ sướng hơn làm thuê có lẽ là không.
Dù bạn khởi nghiệp – tự mình kinh doanh, hay bạn làm cho một tổ chức nào đó, cả hai con đường này đều có những ưu nhược điểm khác nhau, không thể so sánh được bên nào sướng hay khổ hơn bên nào. Sự lựa chọn phụ thuộc vào các ưu tiên và mục tiêu của bạn trong cuộc sống. Vì thế bạn nên lựa chọn dựa trên sự phù hợp, mục tiêu của bản thân, xác định các giá trị muốn theo đuổi để có quyết định, hơn là nhìn vào việc cái nào sướng hơn, vì chạy theo suy nghĩ này bạn mãi sẽ không có câu trả lời.
Nghĩ “phải làm tới cùng chứ không thể bỏ giữa chừng”
Không phải khi tham gia thị trường chứng khoán bạn mới nên tìm hiểu về “nguyên tắc cắt lỗ”, kể cả là khởi nghiệp bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần này. Dừng lại đôi khi lại là việc tốt để giúp bạn bảo toàn nguồn lực cuộc sống, hạn chế lỗ sâu. Hầu hết người khởi nghiệp, vì nhiều lý do rất khó chấp nhận thực tế mình thất bại hoặc mô hình tâm huyết buộc phải rời khỏi thị trường. Tâm lý “nhất định phải làm tới cùng” khiến một số người khởi nghiệp rơi vào tận cùng của thất bại, khó lòng làm lại hoặc vực dậy bản thân trong cuộc sống, vì họ đã vừa chạm đáy về tài chính (âm đến một con số quá lớn so với khả năng chịu đựng) và chạm đáy cả về tinh thần và thể chất, đây là một điều nguy hiểm vô cùng.
Bạn hãy nhớ rằng, khởi nghiệp chưa thành công là điều rất bình thường, tựa như việc bạn đi làm công ty, bạn chưa tìm được môi trường phù hợp thì sau 2-3-5 năm, bạn hoàn toàn có thể thay đổi để tìm kiếm nơi phù hợp hơn. Bạn có thể khởi nghiệp nhiều lần trong đời, ở lần đầu chưa thành công, bạn có thể tạm rời thị trường và quay lại vào một thời điểm khác phù hợp hơn, chỉ cần bạn còn đam mê và muốn làm, bạn luôn có thể khởi nghiệp ở bất kỳ thời điểm nào trong đời. Không có gì gọi là “bỏ giữa chừng”, thay vì nghĩ như vậy, bạn hãy nghĩ rằng bạn đang chia nhiều chặng trên hành trình khởi nghiệp của mình. Vì thế, chỉ đơn giản là chặng này tạm khép lại, để bạn chuẩn bị cho chặng tiếp theo.